Monday, October 7, 2013

Ngũ Điểm Mai - Tọa Ngọc Lầu (Ngũ Điểm - Bài Tạ). Độc Tấu Tranh: NS Nguyễn Đăng Thảo


NGŨ ĐIỂM MAI - TỌA NGỌC LẦU thường được gọi là NGŨ ĐIỂM BÀI TẠ, là hai bài nhạc ngắn rất phổ biến trong truyền thống nhạc Tài Tử / Cải Lương Việt Nam.
Tên Ngũ Điểm Mai là từ Hán Việt diễn tả hoa mai năm cánh cao sang,  nở rộ vàng rực vào mùa xuân, mang đến niềm vui rôn ràng tươi mát cho thiên nhiên, con người. Mỗi lần Mai vàng hé nụ trên cành là chúng ta biết Mùa Xuân đang đến, lòng người rộng mở yêu thương. Hoa Mai khoe sắc để đón chào Xuân, thời gian bắt đầu một năm mới với những ước vọng tốt đẹp, với những lời chúc thân tình may mắn cho nhau. Hoa Mai còn tượng trưng cho sự trung thành. Trung thành trong tình yêu, trong việc làm, trong đời sống hàng ngày. Hoa mai nở rất đúng hẹn. Nhũng cán hoa vàng rực luôn mở rộng năm cánh xinh tươi mỗi độ xuân về. Vào khoảng cuối Tháng Chạp Âm lịch, những cánh Mai vàng lại hé nụ báo hiệu xuân sang. Đây cũng là lúc sinh hoạt của người Việt trở nên rộn ràng, tưng bừng để chuẩn bị đón mừng Giao thừa và ăn Tết  Hoa nai là hình ảnh thân thiết trong văn hóa Việt, trong gia đình người Việt. Vui chơi ba ngày Tết không thể thiếu được cành Mai. Trong nhà mọi người vàodịp Tết đều có chưng ít nhất một cành Mai, để mang không khí Tết cho gia đình, cùng đem đến sự may mắn và hạnh phúc cho mọi người. Hoa Mai còn báo hiệu ngày Tết sum vầy cho nhừng người xa quê, xa gia đình.Tặng nhau cành Mai thể hiện tình bạn trong sáng cao quý, và là tượng trưng cho lời chúc may mắn tốt đẹp nhất cho một năm mới.
Tọa Ngọc Lầu cũng là từ Hán Việt có nghĩa là ngồi trên lầu ngọc. Đây là hình ảnh chúng ta thường tìm gặp trong văn chương, hội họa và âm nhạc Đông Phương. Bài nhạc diễn tả hình ảnh con người phong nhã thanh tao, tâm hồn thiền định, ngồi trên lầu ngọc thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên tuyệt vời.
Bài nhạc Ngũ Điểm - Bài Tạ có âm thanh rộn ràng tươi vui. Bài nhạc được viết theo hệ thống ngũ cung Hoi Quảng Hò Xư Xang Xê Công (Sol La Đô Rê Mi). Trong đàn Tranh, kỹ thuật song thanh được dùng cho hầu như toàn bài nhạc. Với kỹ thuật song thanh, người đánh đàn dùng ngón giũa và ngón cái của bàn tay phải đánh lên dây đàn cho âm thanh bát độ. Thí dụ như ngón giữa đánh nốt Sol thấp thì ngón cái đánh nốt Sol cao, ngón cái nốt La thấp thì ngón cái nốt La cao. Kỹ thất đánh đàn này này đã tạo cho bài nhạc âm thanh réo rắt, nhún nhảy.
 Nguyễn Đăng Thảo
Cữ Nhân Giáo Dục (Uni of Adelaide)
Cao Học Âm Nhạc (Uni of Adelaide)
Thạc Sĩ Giáo Dục (Uni of South Australia)

 ĐĂNG THẢO ĐỘC TẤU TRANH "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ"



BÀI ĐÀN TRANH "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ"
Trong clip Video trên, tôi đàn theo hệ thống dây Đào, nên các bạn lên dây Hò Xư Xang Xe Công  theo cao độ Sol La Do Re Mi, khi đàn sẽ nghe cao hơn tiếng đàn trong clip trình diễn này.
Ghi chú: Để đàn đúng theo cao độ trong video clip này, các bạn lên
dây Hò hay Sol theo cao độ nốt Re (D),
dây Xứ hay La theo cao độ nốt Mi (E)
dây Xang hay Do theo cao độ nốt Sol (G)
dây Xê hay Re theo cao độ nốt La (A)
dây Công hay Mi theo cao độ nốt Si (B)
Chúc các bạn mọi may mắn, an vui và mạnh khỏe, đàn hát hay, yêu đời, yêu âm nhạc.
Nguyễn Đăng Thảo


BÀI HÁT "NGŨ ĐIỂM - BÀI TẠ", Đăng Thảo ký âm
Đây là bài hát tôi ký âm theo lời hát của GS Phạm Văn Nghi đã dùng để dạy trong Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn (Sau 1975, CS đã đổi tên thành Nhạc Viện VN)


Sau đây là bài "Ngũ Điểm - Bài Tạ" tôi đã ký âm lại theo một bài thu âm với giọng hát Vũ Linh. Quý vị và các bạn sẽ thấy giai điệu có đôi chút thay đổi nếu so với bản ký âm trên theo lời hát của GS Phạm Văn Nghi. Nếu các quý vị và các bạn chú ý sễ thấy những đổi khác về cao độ là do thanh giọng của tiếng Việt. Lời ca có dấy huyền (`) sẽ có cao độ thấp hơn với lời ca có dấu sắc ('), họac lời ca có dấu hỏi  (?) ngã (~) sẽ cao hơn dấu nặng (.). Tiếng Việt có sáu thanh giọng với sáu cao độ khác nhau. Do đó khi đưa vào lời hát, giai điệu cao thấp của bài nhạc phải phù hợp theo độ cao thấp của dấu giọng sắc huyền hỏi ngã nặng và không dấu. Ngoài ra, trong tiết tấu bài nhạc, khi hát người hát có thể tùy nghi hát với nhịp chỏi để thể hiện tài năng của mình và để diễn tả cho phù hợp với lời hát, khung cảnh tình cảm dùng cho bài hát   Tuy nhiên, dù lời hát có thay đổi như thế nào đi nữa, cấu trúc chính của bài hát không thay đổi. Khi hát bài này, quý vị và các bạn sẽ thấy giai điện "Ngũ Điểm - Bài Tạ" thể hiện rõ ràng dù có những nhịp chỏi và những những nốt nhạc có cao độ và trường độ khác với bài trên.
Chúc các bạn đàn hát hay, vui vẻ và yêu đời.
Nguyễn Đăng Thảo

2 comments:

  1. Cám ơn các bạn đã viếng trang Nhạc Đàn Tranh. Với mục đích BẢO TỒN và PHÁT TRIỂN nhạc truyền thống Việt, Chúng tôi mong được các bạn ủng hộ. Xin các bạn để lại lời comment.
    Thân ái,
    Đăng Thảo

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn chia sẻ của ad !
    Địa chỉ chuyên cung cấp loa keo keo

    ReplyDelete